“Làm gì sau phẫu thuật thẩm mỹ ?” là băn khoăn của nhiều người sau khi trùng tu nhan sắc. Đa số mọi người khi nhắc đến vấn đề này thường nghĩ đến cách chăm sóc sau thẩm mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những vấn đề về pháp lý mà nhiều người cần lưu ý.
Cuộc sống hiện đại đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sinh tồn cơ bản thì nhu cầu được làm đẹp lại ngày càng phổ biến. Ngày nay, rất nhiều người, kể cả phụ nữ và đàn ông, đều lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ là phương pháp làm đẹp để cải thiện diện mạo vốn có. Vậy cần làm gì sau phẫu thuật thẩm mỹ, bên cạnh việc chăm sóc cẩn thânh, người vừa phẫu thuật thẩm mỹ cũng nên lưu ý về tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của mình.
Theo quy định của pháp luật, khi thay đổi đặc điểm nhận dạng, bạn cần phải làm lại chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ tùy thân có hình. Với trường hợp thay đổi ngoại hình sau phẫu thuật thẩm mỹ thì liệu người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có cần phải làm lại chứng minh nhân dân hay không?
Theo luật sư Quách Thành Lực, trong trường hợp người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ khiến cho khuôn mặt trở nên khác đi và làm cho những người xung quanh khó nhận ra, thì sẽ thuộc trường hợp thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Trong đó, nhận dạng được hiểu là đặc điểm riêng biệt và ổn định bên ngoài của một người, nhằm phân biệt người đó với người khác. Do đó, nếu bạn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, dù là tiểu phẫu như nâng mũi, cắt mí, độn cằm… nhưng khiến cho đặc điểm nhận dạng khuôn mặt thay đổi thì bạn bắt buộc phải đổi chứng minh nhân dân.
Pháp luật hiện nay cho phép công dân được quyền thực hiện thủ tục đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân (CMND) trong một số trường hợp. Cụ thể tại Điều 5 của Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân
1. Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Nếu như bạn cố tình không thực hiện thì bạn sẽ bị pháp luật xử lý, cụ thể theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Thực tế, mức phạt này không quá cao nên việc thực hiện đổi CMND phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của chính bạn. Tuy nhiên, để bảo đảm mọi quyền lợi của bản thân trong tương lai, tránh các rắc rối không cần thiết và trả lời trọn vẹn câu hỏi “Làm gì sau khi phẫu thuật thẩm mỹ”. Thì tốt nhất, bạn nên thay đổi CMND hoặc Căn cước công dân của mình sau khi tân trang lại nhan sắc.
(Theo Dân Trí)